loader image

Quả: Nghề Ước Mơ – Cuộc Sống Ước Mơ – 7 Cảnh Giới Cuộc Sống (Phần 2)

Như đã chia sẻ ở bài viết trước về Nghề ước mơ chính là công cụ phương tiện tạo lập giá trị, giúp chúng ta đạt được Cuộc sống ước mơ và thuận duyên giúp chúng ta đạt được cảnh giới số 7 trong 7 cảnh giới cuộc sống. Vậy nghề ước mơ là gì?

Bài viết trước đã giúp chúng ta thấu suốt về một cuộc sống ước mơ – một cuộc sống Lục lộc đại thuận, cho chúng ta có một bức tranh rõ nét về một đích đến trong cuộc đời để chúng ta từng bước chinh phục, đạt được và có một cuộc sống ước mơ để thuận duyên hơn trong việc hỗ trợ người khác đạt được mọi ước nguyện trong cuộc đời của họ.

Trong phần chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng nhau thấu suốt về Nghề Ước mơ.

Phần 2: Nghề ước mơ

Đặc tính của nghề ước mơ là một nghề mà đảm bảo được tiêu chí làm Lâu – làm Lớn – làm Lành. Nghề mà sẽ đem lại lợi ích, phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của con người và làm nghề ước mơ phải đảm bảo được thu nhập có tài chính để đảm bảo thoả mãn các nhu cầu và phong cách sống của mình.

Ikigai là gì?

Ikigai là gì?
Ikigai là gì?

 

Trước tiên chúng ta cùng nhau tìm hiểu về khái niệm Ikigai. Ikigai là một khái niệm có nguồn gốc từ Nhật Bản, người Nhật Bản đã nghiên cứu rất sâu và được sử dụng rất lâu đời, ngày nay triết lý về Ikigai vẫn là một triết lý đươc sử dụng rộng rãi và nó vẫn đem về những giá trị và ý nghĩa cho con người khi tìm về nghề ước mơ.

Ikigai là điểm chung (điểm giao nhau) giữa 4 vòng tròn đại diện cho việc mà bản thân Thích, việc mà bản thân Giỏi, việc mà đáp ứng được Nhu cầu xã hội và việc mà tạo ra được Tiền (thu nhập/tài chính).

Ý nghĩa vòng tròn Ikigai

Ta cùng nhau vẽ 4 vòng tròn giao cắt nhau, tạo thành những điểm cắt và phần chung nhau. Phần giao nhau giữa vòng tròn việc mình Thích và việc mình Giỏi được gọi là Đam mê.

  • Phần giao nhau giữa vòng tròn việc đáp ứng Nhu cầu xã hội và việc tạo ra Tiền được gọi là Công việc
  • Phần giao nhau giữa vòng tròn việc mình Giỏi với vòng tròn việc tạo ra Tiền được gọi là lĩnh vực Chuyên gia
  • Phần giao nhau giữa vòng tròn việc mình Thích và việc mà đáp ứng Nhu cầu xã hội được gọi là Sứ mệnh. Phần chung của cả 4 vòng tròn là Ikigai.

Khi lựa chọn bắt đầu làm một công việc gì đó, thì Ikigai là một công cụ chỉ ra rằng, chúng ta lựa chọn phần công việc giao nhau giữa cả 4 vòng tròn. Khi đó,công việc được xem là được làm Nghề ước mơ.

Tam giác hiện thực của Nghề ước mơ

Thế nhưng trong thực tế để tìm ra được nghề thuộc Ikigai thì nó cũng không hề dễ dàng. Có khi loay hoay cả đời vẫn chưa tìm ra được. Thật may mắn chúng ta có cao nhân chỉ điểm về một công cụ đơn giản hơn để tìm được Nghề ước mơ của mình. Đó chính là Tam giác hiện thực của Nghề ước mơ.

Chúng ta dùng Tam giác hiện thực để đưa Nghề ước mơ về góc thông tin hoá, năng lượng hoá và vật chất hoá, sau đó nhìn vào Tam giác hiện thực này chúng ta đơn giản để làm rõ và đạt được góc thông tin, góc năng lượng từ đó đơn giản để có được góc vật chất.

Ở vòng tam giác hiện thực đầu tiên, lần lượt 3 góc: Thông tin – Năng lượng – Vật chất, chúng ta có Nhu cầu xã hội – Thích – Định tâm

Nhu cầu xã hội

Chúng ta cần bắt đầu từ một công việc mà khi làm công việc này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu xã hội. Xã hội có nhu cầu, cần có giải pháp để phục vụ và công việc chúng ta làm đó chính là giải pháp.

Một công việc mà chúng ta thích

Thích là một trạng thái cảm xúc có được khi chúng ta có trạng thái rung động điện từ nội tâm theo chiều hướng dương. Vì vậy khi chúng ta được làm việc mình thích, bản thân chúng ta sẽ có một sự hào hứng, một nguồn sức mạnh, một sự đam mê giúp chúng ta làm việc, càng làm càng hào hứng.

Thích là một trạng thái cảm xúc mà nó phụ thuộc vào tính cách của mỗi người, hoặc ở mỗi giai đoạn khác nhau thì sẽ có những cái chúng ta thích khác nhau. Vậy nên nếu chỉ đơn thuần là chọn cái mình thích để làm thì cũng dễ dẫn tới việc sau một thời gian không còn thích nó nữa.

Vậy nên chúng ta cần có một hệ thống nhận thức mới cho việc chúng ta thích. Chúng ta cần thích hết những việc mình làm. Như đã nói ở trên, thích là trạng thái rung động điện từ nội tâm theo chiều hướng dương, thế nên khi chúng ta làm bất cứ công việc gì, chúng ta chỉ cần đưa trạng thái rung động điện từ nội tâm của mình về trạng thái hướng dương thì chúng ta sẽ luôn có được sự đam mê hào hứng khi làm việc.

Nhưng nếu khi bắt đầu công việc chúng ta chưa chủ động đưa trạng thái rung động về hướng dương thì chúng ta có một cách đơn giản để điều chỉnh từ từ, đó là bắt đầu yêu thích cái giá trị mà ngành nghề chúng ta làm đem lại cho xã hội.

Ví dụ cụ thể

Ví dụ về việc nấu ăn

Bản thân mình không thích công việc nấu ăn mỗi ngày, mỗi lần nói tới nấu ăn, chúng ta luôn xuất hiện hình ảnh trong tâm trí về việc bày biện đồ đạc, chiên dầu, nóng nực, rồi phải dọn dẹp cả “bãi chiến trường”, càng nghĩ như vậy chúng ta càng không muốn nấu ăn. Nhưng nếu như đó lại là việc mà bắt buộc chúng ta phải làm, thì hẳn chắc mỗi ngày sẽ rất khó tìm được niềm vui vẻ và hạnh phúc trong công việc nấu ăn.

Vậy làm sao để chúng ta có thể tìm được sự hào hứng, niềm vui thích khi nấu ăn?

Điều này đơn giản lắm, chúng ta chỉ cần nhìn nhận ở một góc nhìn khác, nhìn vào giá trị của việc mỗi khi ta nấu ăn, gia đình được ăn những bữa cơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ. Nhờ những bữa ăn ngon mà gia đình được kết nối với nhau, quây quần đầm ấm. Trong mỗi bữa ăn gia đình, những câu chuyện vui được kể cho nhau nghe, tạo nên một môi trường ấm áp, lưu giữ tuổi thơ thật ngọt ngào cho các con.

Chỉ cần chúng ta yêu thích những giá trị đó, tự nhiên chúng ta sẽ có cảm giác hạnh phúc và mỗi khi nghĩ đến việc nấu ăn ta sẽ luôn nhìn thấy những giá trị bữa ăn mang lại, tự nhiên sẽ vui vẻ và yêu thích việc nấu ăn.

Với bất kì lĩnh vực nào trong công việc, hay nghề nghiệp nào cũng vậy, nó luôn có những giá trị riêng của nó, nếu ngay từ đầu mình chưa thể yêu nó thì mình yêu những giá trị của công việc đó tạo ra và hưởng thụ niềm hạnh phúc của một người làm nghề và tạo ra những giá trị đó.

Sự định tâm với nghề

Sự định tâm với nghề
Sự định tâm với nghề

Tiếp theo sẽ nói về sự định tâm với nghề. Cao nhân chỉ điểm khi ta định tâm với nghề, nghề không có vấn đề. Khi ta định tâm với người, người không có vấn đề.

Định tâm với nghề là trạng thái kiên định và dành cả tâm huyết của mình để làm một việc nào đó. Khi định tâm với nghề ta luôn nhìn thấy những điểm tốt đẹp của ngành nghề đó và ta luôn muốn làm lớn những điểm tốt đẹp đó lên mỗi ngày.

Để có được sự định tâm thì trước tiên ta cần chọn được một công việc phù hợp với nhu cầu của xã hội, làm công việc đó bao nhiêu lâu thì xã hội vẫn luôn có nhu cầu. Và ta làm công việc đó là để phục vụ nhu cầu của và đem lại giá trị cho xã hội và khi ta làm, ta luôn yêu thích công việc đó. Chỉ cần có đủ 2 yếu tố đó thì chúng ta sẽ định tâm được với nghề.

Ví dụ sự định tâm với nghề

Để hiểu rõ hơn về khái niệm định tâm với nghề, ta cùng đi vào tham khảo một ví dụ sau:

Chọn giống cây

Việc chúng ta định tâm với nghề cũng giống như việc chúng ta trồng được một cây cổ thụ to lớn. Để có được một cây cổ thụ to lớn thì việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là chọn một giống cây cổ thụ để trồng. Chúng ta không thể trồng một cây lúa, cây ngô và ngồi chờ một ngày nó sẽ trở thành cây cổ thụ, bởi vì giống lúa, ngô vốn không phải là giống cây cổ thụ. Việc chọn giống cây nó cũng giống như việc chúng ta chọn một nghề nghiệp phục vụ nhu cầu xã hội lâu dài và càng làm lâu nhu cầu càng lớn, càng làm lâu thì công việc đó càng phát triển lớn mạnh.

Tìm một không gian phù hợp cho cây phát triển

Việc thứ hai chúng ta cần phải làm đó là phải tìm một không gian phù hợp cho cây phát triển, một môi trường tự nhiên, đất rộng cho cây đủ điều kiện phát triển mà không bị giới hạn. Những cây cổ thụ chúng ta thấy thường là sẽ mọc ở đầu làng, mọc ở trong khu vườn lớn hoặc là trong khu rừng… Chứ đem cây giống cổ thụ mà trồng trong cái chậu đất nhỏ thì cây cũng không phát triển được.

Định tâm về thời gian lâu dài

Điều thứ ba quyết định cây ta trồng có thể trở thành cây cổ thụ được hay không nó được quyết định bởi sự định tâm về thời gian lâu dài. Không có cây nào trồng 1-2 năm mà trở thành cây cổ thụ được cả. Nhưng nếu chúng ta trồng cây xuống đất, vài ngày chúng ta lại nhổ gốc lên, xong lại trồng lại, vài tháng lại nhổ gốc lên, rồi lại đem đi trồng lại… Thì cái cây đó rất khó để có thể trở thành cây cổ thụ.

Thay vào đó, chúng ta chỉ cần lựa giống cây cổ thụ, đem vào khu vườn lớn để trồng, và định tâm cây trồng ở đó (Cố định gốc không nhổ lên – cũng giống như cố định bám trụ một công cụ phương tiện tạo lập giá trị), ngày ngày chăm sóc, vun tưới. Ngày này, tháng nọ, năm kia, thì cái cây đó sẽ luôn sinh sôi và phát triển mỗi ngày, đến một ngày dù ta có không tưới tắm chăm sóc thì cả vài năm hay vài chục năm cái cây đó vẫn tiếp tiếp phát triển giữa tự nhiên.

Việc chúng ta làm một nghề cũng vậy. Chúng ta chỉ cần chọn đúng nghề, định tâm phát triển nghề đó thì chúng ta cũng sẽ có sự nghiệp đồ sộ và vững trãi như cây cổ thụ.

Vòng tam giác thứ 2 chúng ta cần tìm hiểu về nghề mơ ước đó chính là Giỏi – Trân trọng biết ơn – Tiền

Chúng ta đã chọn đúng hạt giống nghề để gieo trồng và ngày ngày chúng ta định tâm phát triển nó. Mỗi ngày chúng ta luôn nỗ lực để biến sự phức tạp trong công việc trở nên đơn giản hơn. Chúng ta thường xuyên làm việc đơn giản đó và ta luôn dụng tâm làm, luôn chứa đựng hình ảnh tốt đẹp về nghề nghiệp của mình thì chúng ta đơn giản để trở thành một người giỏi, một chuyên gia trong lĩnh vực mình đang làm.

Mỗi ngày ta đều trân trọng biết ơn công việc ta đang làm, ta nhìn thấy những giá trị mà công việc mang lại cho ta, nhờ công việc đó ta được trở thành người giỏi, ta có một nơi để chuyên tâm phát triển, để bản thân được trưởng thành. Ta luôn muốn làm cho nghề nghiệp đó phát triển hơn nữa, đem lại giá trị cho xã hội nhiều hơn nữa.

Trong quá trình làm việc, thuận duyên chúng ta kiếm được tiền. Và đây là những đồng tiền được nhận về từ việc tạo ra giá trị, giúp đỡ con người nên là những đồng tiền mang đầy năng lượng hạnh phúc.

Chúng ta không mong cầu được trả lương, mà con người cảm thấy hài lòng và hạnh phúc khi chúng ta giúp họ vượt thoát vấn nạn của họ. Họ chi trả tiền cho chúng ta với năng lượng của sự trân trọng biết ơn. Đồng tiền chúng ta nhận về là những đồng tiền của đủ đầy!

Giữ được tâm thái và năng lượng như vậy cho công việc thì mỗi ngày việc chúng ta cho đi hay nhận lại cũng đều rất an vui và hạnh phúc. Chúng ta trở thành một người đầy giá trị và công việc chính là công cụ, phương tiện giúp ta tạo lập được giá trị để trao đi.

Vòng tam giác thứ 3 của nghề ước mơ là Ikigai – Trưởng thành – Thành công

Chúng ta vừa đi qua lộ trình lựa chọn nghề ước mơ bao gồm các tiêu chí về một nghề đáp ứng được nhu cầu của xã hội, một nghề mà chúng ta yêu thích, chúng ta định tâm với nghề, chúng ta trở nên giỏi và có năng lượng trân trọng biết ơn, đồng thời nghề đó giúp chúng ta kiếm được những đồng tiền mang năng lượng đủ đầy và hạnh phúc.

Sau khi thoả hết 6 tiêu chí trên thì lúc này chúng ta đã mặc nhiên đạt được nghề trong tiêu chí Ikigai của mình. Chúng ta bắt đầu làm lớn từng giá trị ở từng góc thông tin, năng lượng và vật chất của nghề Ước mơ.

Tiêu chí tiếp theo chúng ta lựa chọn đó là một nghề cho chúng ta sự trưởng thành.

Ở đây, chúng ta có một câu nói rất hay “Theo đuổi thành công chưa chắc có được thành công, nhưng theo đuổi sự trưởng thành thì nhất định sẽ thành công”.

Vậy sự trưởng thành ở đây là gì?

Vậy sự trưởng thành ở đây là gì?
Vậy sự trưởng thành ở đây là gì?

Sự trưởng thành là nhân tố cốt lõi của một người giàu năng lực. Sự trưởng thành được thể hiện qua 3 khía cạnh: Chuyên môn, Mối quan hệ xã hội và Quan niệm sống.

Về Chuyên môn

Đây là khi càng làm công việc của mình chúng ta càng hiểu sâu sắc về lĩnh vực ngành nghề chúng ta làm, chúng ta trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó và càng làm lâu thì càng phát triển sâu và rộng hơn. Đến một thời điểm ta có thể làm rõ được 15 khái niệm nguồn cho ngành nghề: Quy luật, nguyên lý, chìa khoá, công thức, nguyên tắc, phương pháp, công cụ – phương tiện; môi trường, quan niệm, tâm thái, năng lực, văn hoá, hệ quy chiếu, khái niệm nguồn và mật mã. Khi ta thấu suốt được 15 khái niệm nguồn này thì ta thực sự trưởng thành về chuyên môn và đơn giản để đóng gói chuyển giao lĩnh vực ngành nghề cho người khác.

Trưởng thành về mối quan hệ xã hội

Công việc mình làm, cho mình cơ hội để mỗi ngày trôi qua mình mở rộng và phát triển mối quan hệ của mình sâu rộng khắp nơi. Có 5 cấp độ về Mối quan hệ  bao gồm quen biết (Bạn biết 1 thông tin về họ); quen thuộc (biết nhiều hơn 1 thông tin); quý mến (ở gần nhau có được cảm giác vui vẻ); Tin tưởng (Có cảm giác an toàn) và Thân thiết (Tin tưởng toàn diện, cùng chung mục đích, đồng hành…)

Một công việc cho ta cơ hội để trưởng thành về mối quan hệ là một công việc giúp ta kết nối được với con người trong xã hội, cho ta cơ hội được giao lưu, học hỏi và tạo lập giá trị cho con người. Một công việc cho ta có được 500 mối quan hệ thân thiết, tin tưởng toàn diện, có cùng mục đích và đồng hành cùng nhau.

Công việc cho ta cơ hội trưởng thành về quan niệm, thấu suốt nhân duyên quả, thấu suốt nhân sinh, trưởng thành tận cùng đến 7 sự giàu toàn diện là giàu trí tuệ, giàu tâm thái, giàu phẩm chất, giàu nhân cách, giàu năng lực, giàu thể chất và giàu vật chất.

Khi chúng ta lựa chọn một công việc mà đáp ứng được đầy đủ các khía cạnh trên thì chúng ta đơn giản có được một sự nghiệp cùng với sự trưởng thành tận cùng thì chúng ta đơn giản có được sự thành công.

Một công việc mà đáp ứng được cho chúng ta cả 9 khía cạnh trên thì đây là một Nghề ước mơ. Nghề mơ ước chính là phương tiện hữu hiệu nhất để giúp chúng ta có đủ điều kiện và đơn giản đạt được cuộc sống Lục lộc đại thuận – Cuộc sống ước mơ và là cơ sở, là nền tảng giúp chúng ta đạt được 7 cảnh giới cuộc sống.

Trong cuộc sống thường ngày, hẳn chắc là chúng ta đều đã được nghe rất nhiều về từ thành công: Dậy sớm để thành công; kiến tạo cuộc đời thành công, hành trình thành công, chinh phục thành công, đạt được thành công… Và chúng ta cũng thường hay chúc ai đó câu chúc thành công…

Như vậy, ở một góc nhìn nào đó thì Thành công được xem như là đích đến mà nhiều người mơ ước và phấn đấu cả đời để chạm được. Vậy Thành công là gì và như thế nào là Thành công? Và nếu chúng ta coi Thành công là đích đến vậy thì có một câu hỏi khó ở đây đó là Thành công rồi thì sẽ làm gì nữa? Sẽ đi về đâu và sẽ như thế nào sau khi chúng ta thành công?

Có nhiều người thành công, thậm chí thành công ở độ tuổi còn khá trẻ, thịnh vượng về tài chính, gia đình vui vẻ, hoà hợp hạnh phúc. Nhưng khi họ thành công rồi, họ đạt được ước nguyện cuộc đời. Họ dừng lại, không làm gì nữa, có nhiều người chọn cuộc sống an nhàn, về vườn, thư thả với cây cỏ, chim muông. Có người lựa chọn dùng tiền để đi du lịch, để hưởng thụ cuộc giàu sang, xa hoa…

Nhưng đang có một thực tế tồn tại là có rất nhiều người thành công rồi, sau đó một vài năm tự nhiên sự thành công đó không còn nữa, tài chính đóng lại, không có nguồn thu vào và phát sinh những khoản chi tiêu… Gia đình hạnh phúc bỗng phát sinh mâu thuẫn, tan rã… Thành công và hạnh phúc bỗng chỉ là giả tạm.

Điều này cũng dễ lý giải, bởi chúng ta là con người, chúng ta sống giữa xã hội, xung quanh ta có rất nhiều mối quan hệ và chúng ta tác động quan lại và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu chúng ta thành công mà các mối quan hệ xã hội xung quanh ta cũng đều thành công thì thành công đó sẽ bền vững hơn so với việc chỉ mình ta thành công còn xung quanh thì họ đang sống cuộc sống khó khăn.

Ví dụ: Khi ta nỗ lực đạt được thành công ở tuổi 40, khi đó các con đang học đại học. Sau 5 năm 10 năm… Cuộc sống của các con không đạt được sự thành công, gia đình, anh em họ hàng của chúng ta gặp khó khăn… ta không thể nào làm ngơ trước những khó khăn đó của họ. Nên nếu trong hoàn cảnh này thì mối quan hệ xung quanh sẽ là những sợi dây vô hình ghì kéo chúng ta lại. Dần dần đủ lâu chúng ta mất luôn sự thành công đang vốn có của mình.

Thế nên khi ta thành công, ta hạnh phúc, ta dừng lại và hưởng thụ, thì thành công đó trở nên mong manh và hên xui chứ không có sự chắc chắn và đảm bảo bền vững. Ta cần tìm cách để giúp đỡ cho những người xung quanh mình, để họ đều trở nên thành công và hạnh phúc, thì những mối quan hệ đó sẽ không kéo nặng hành trình mình đi. Nhưng việc có gìn giữ được thành công lâu bền hay không vẫn phụ thuộc vào những biến động của xã hội và phụ thuộc vào bản lãnh của chúng ta.

Qua phân tích trên để giúp chúng ta hiểu rằng thành công chưa thực sự là đích đến. Còn những mục tiêu phải cao hơn cả sự thành công thì mới giúp được cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Vậy mục tiêu cao cả đó là gì? Thật may mắn là cao nhân đã chỉ điểm cho chúng ta rằng có một hành trình mà chúng ta dành cả cuộc đời để chinh phục đó chính là hành trình đạt được 7 Cảnh giới cuộc sống. Và suốt cuộc đời này chúng ta phấn đấu để đạt được cảnh giới số 7 thì cuộc sống của chúng ta thực sự viên mãn.

Vậy 7 cảnh giới cuộc sống là gì và cảnh giới cuộc sống 7 là cảnh giới cuộc sống như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi ở bài chia sẻ tiếp theo để cùng thấu suốt và kiến tạo cho mình cảnh giới số 7 và đạt được một sống viên mãn trong cuộc đời của mình nhé!

Trong bài viết này, xin trân trọng biết ơn bạn đọc đã luôn yêu thương và đón nhận phần tri thức về Nghề ước mơ. Khi chúng ta thấu suốt tri thức về nghề ước mơ, chúng ta sẽ lựa chọn cho mình được một công cụ, phương tiện tạo lập giá trị bền vững và khi chúng ta càng phát triển nghề thì càng thuận duyên và đơn giản để đạt được cuộc sống ước mơ của mình!

Lời kết

Xin trân trọng biết ơn người thấy kính yêu đã luôn dụng tâm mỗi ngày, giúp chúng ta thấu suốt tri thức về nội tâm để đơn giản kiến tạo một cuộc đời an vui.

Trân trọng biết ơn Cao nhân chỉ điểm và những Tri thức tuyệt quý, giúp chúng ta đơn giản để có được nghề ước mơ và thuận duyên đạt được cuộc sống ước mơ của mình, biết ơn các anh/chị/em trong WIT!

Một lần nữa xin trân trọng biết ơn bạn đọc luôn yêu mến, đón nhận và lan toả những tri thức tuyệt quý này đến nhiều người để chúng ta cùng nhau có một cuộc sống ước mơ và thuận duyên giúp đỡ người khác đạt được cuộc sống ước mơ của họ.

Mời quý bạn đọc chúng ta cùng nhau thấu suốt tri thức về 7 cảnh giới cuộc sống ở phần chia sẻ tiếp theo! Xin trân trọng biết ơn!

(Hết phần 2) (Còn tiếp…)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *