Cấu trúc con người là một khái niệm quan trọng. Cùng tìm hiểu về khái niệm cấu trúc con người là gì nhé!
1. Tầm quan trọng của tri thức cấu trúc con người
- Là một trong ba hệ quy chiếu quan trọng của cuộc đời. Giải thích cội nguồn cuộc sống bắt nguồn từ đâu theo góc nhìn của tôn giáo.
- Là một loại hiểu biết để giúp con người khai mở trí tuệ.
- Mở ra cánh cửa nhân sinh của con người.
- Lý giải mọi nghi vấn trong cuộc sống của con người.
2. Ý nghĩa việc nhận thức được về cấu trúc con người
Khi có được nhận thức về Cấu trúc con người, bạn sẽ:
- Hiểu và giúp cho con người tìm về sự chân thật nơi chính mình, thuận duyên nhận được sự chân thật nơi chính mình.
- Hiểu 16 tánh người. Tham và tưởng là trọng điểm của tánh người, cái tôi của con người.
- Hiểu về tánh không của nội tâm.
- Hiểu 3 khối công đức, ác đức, phước đức.
- Hiểu về tổng nghiệp: thức, duyên, quả.
- Hiểu và thấu suốt vật chất, không gian, thời gian.
- Hiểu chính nhận thức nội tâm quyết định Trạng thái rung độ điện từ nội tâm, từ đó quyết định Tần số rung động năng lượng và quyết định trải nghiệm nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan.
- Thay nhân quá khứ, đổi quả hiện tại, kích quả tương lai tốt.
3. Giới thiệu cấu trúc con người
Chúng ta đã biết, cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả được tạo dựng bởi nhân trong quá khứ và hiện tại của chúng ta chính là nhân của cuộc sống trong tương lai.
Vậy thì chúng ta thay đổi hiện tại tức là đang thay đổi cái nhân sẽ tạo nên quả cho tương lai. Nói cách khác, chúng ta muốn có tương lai như ý thì buộc chúng ta phải thay đổi nhân hiện tại. Và chỉ khi con người biết được cội nguồn cuộc sống của họ bắt nguồn từ đâu thì họ mới có thể đổi được nhân, từ đó sẽ đổi được quả.
Thông qua 3 góc nhìn Đạo lý – Tôn giáo (tín ngưỡng) – Khoa học với 3 hệ quy chiếu là Tam giác hiện thực – Cấu trúc con người – Công thức cội nguồn cuộc sống, chúng ta thấu hiểu được cội nguồn cuộc sống của con người bắt nguồn từ đâu, gồm những nhân gì để tạo nên quả. Từ đó con người sẽ biết cách kiến tạo nhân tốt, duyên lành để hặt hái quả như ý cho cuộc sống.
Chúng ta cùng tìm hiểu một trong 3 hệ quy chiếu quan trọng, đó là Cấu trúc con người. Đây là hệ quy chiếu theo góc nhìn của Tôn giáo (tín ngưỡng), mượn tri thức của nhà Phật để hiểu về Cấu trúc con người, từ đó tìm ra cội nguồn, gốc rễ hay nhân của cuộc sống con người theo góc nhìn này là gì.
3.1. Chân thật
Sự chân thật là gì? Sự chân thật là những gì không thay đổi qua không gian và thời gian, những gì thay đổi thì không còn chân thật. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, tất cả mọi thứ đều không chân thật bởi theo thời gian nó đều có sự thay đổi, ví dụ nhà, xe, tình cảm, tình yêu… hay ngay thân người cũng thay đổi mỗi ngày. Và khi chúng ta bám trụ vào những cái đó thì mãi mãi không an vui được.
Thấy cái gì là cái đó có thật, có tồn tại là thật nhưng không phải là sự chân thật.
Vậy sự chân thật ở đâu? Có câu chuyện kể rằng ngày xưa, loài người và yêu tinh sống chung, sau khi có mâu thuẫn thì loài yêu bị đuổi đi. Trước khi đi, loài yêu họp nhau lại, bàn bạc trả thù bằng cách giấu sự chân thật để lấy đi sự an vui của loài người. Có con yêu trong đàn hiến kế giấu sự chân thật lên đỉnh núi nhưng con yêu khác nói giấu ở đó con người thông minh sẽ tìm ra được. Rồi các yêu tinh tiếp tục bàn bạc sẽ giấu dưới biển sâu, giấu trong rừng rậm … nhưng không thống nhất được vì biết rằng có giấu ở đâu, con người đều tìm ra được. Đến lúc này con yêu lớn tuổi nhất mới nói nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất: Giấu sự chân thật bên trong sâu thẳm con người để con người không thấy được. Vậy là loài yêu quyết định giấu sự chân thật nơi sâu thẳm bên trong con người. Từ đó con người không còn bám trụ vào sự chân thật nơi chính mình nữa mà đa phần bám trụ vào bên ngoài nên con người không an vui được. Từ đó, ai có đại nhân duyên mới tìm được sự chân thật nơi chính mình. Nếu chúng ta tìm được sự chân thật nơi chính mình thì tiệm cận sự an vui.
Cấu trúc con người là nội dung rất quan trọng và đáng được biết nhất nhân loại này. Biết được Cấu trúc con người là chúng ta sẽ thấu hiểu được chính mình, tìm về sự chân thật nơi chính mình để có an vui thật sự. Cấu trúc con người theo góc nhìn của tôn giáo tín ngưỡng nên chúng ta mượn tri thức của nhà Phật để lý giải.
Cấu trúc con người có 4 phần, tương ứng cách gọi của dân gian, của khoa học và của nhà Phật như sau:
Nếu xét về cấu trúc bản thân con người chúng ta thì có thuật ngữ bát đại duyên hợp. Thông thường người ta nói tứ đại duyên hợp thì tạo nên thân. Nhưng bản chất ngũ đại duyên hợp mới tạo nên thân. Ngũ đại duyên hợp gồm đất, nước, khí, lửa và điện từ. Nhìn tổng thể con người còn có tâm, tánh, tình. Vậy nên, thân của một con người có 8 yếu tố tạo nên (tâm, tánh, tình, đất, nước, khí, lửa và điện từ) gọi là bát đại duyên hợp. Để gọi đúng về Cấu trúc con người thì phải là cửu đại duyên hợp, bởi vì thân của con người khi nói đến tâm thì phải có thêm điện từ quang, tức là điện từ còn phân ra thành 2 dạng – một là điện từ quang và 2 là điện từ âm dương, gọi là cửu đại duyên hợp. Thông thường khi nói thân mà không đến lớp tâm, tánh, tình thì sẽ là đất, nước, khí, lửa và điện từ là ngũ đại duyên hợp.
Theo 3 góc nhìn thì tên gọi các phần trong Cấu trúc con người là khác nhau. Để thống nhất cách gọi và thuận tiện, chúng ta thống nhất Cấu trúc con người gồm các phần sau: sự chân thật, 16 tánh người, lớp tình và lớp thân tứ đại. Cụ thể như sau:
- Sự chân thật gồm ý thấy, ý nghe, ý nói và ý biết được bao quanh bởi lớp điện từ quang.
- 16 tánh người gồm có: thọ, tưởng, hành, thức, tài, sắc, danh, thực, thùy, tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến. Bao quanh lớp này là điện từ âm dương.
- Lớp tình có 84.000 bong bóng ảo giác hay còn gọi là cảm xúc.
- Lớp thân tứ đại gồm: đất (là dinh dưỡng), nước, khí, lửa (là hơi ấm). Bao quanh là lớp điện từ âm dương.
Cấu trúc con người còn có 3 khối công đức, phước đức, ác đức và có tổng nghiệp thức, tổng nghiệp duyên, tổng nghiệp quả.
Theo cách gọi của dân gian thì cấu trúc bên trong con người (hay còn gọi là nội tâm) có tâm, tánh, tình và biểu hiện ra bên ngoài là thân. Và chúng ta hay nói tánh tình, tình thân là từ đó. Chúng ta thấu hiểu bản thân có nghĩa cần thấu hiểu tâm, tánh, tình và thân mới đủ. Khi thấu hiểu được nội tâm của mình thì chúng ta mới an vui được. Ai sống ở trên đời đều mưu cầu sự an vui và khi con người tìm về được sự chân thật nơi chính mình thì mới khởi tạo được sự an vui.
3.2 Giải nghĩa tên gọi 16 tánh người
Trong Cấu trúc con người, lớp 16 tánh người được gọi tên bằng từ Hán Việt. Từ Hán Việt thường có nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng chúng ta tìm ý nghĩa gần nhất với Cấu trúc con người, cụ thể:
- Thọ: thu nhận vào
- Tưởng: tưởng nhớ, tưởng tượng, liệu định
- Hành: truy xuất ra
- Thức: ý thức, hiểu biết
- Tài: tiền tài, tài năng
- Sắc: sắc thân, sắc tướng
- Danh: danh tiếng
- Thực: ăn
- Thùy: ngủ nghỉ
- Tham: ham muốn
- Sân: giận dữ
- Si: mê muội
- Mạn: ngạo mạn
- Nghi: hoài nghi
- Ác: tàn ác
- Kiến: cố chấp
3.3 Trọng điểm – Biên độ – Cấp độ của tánh người
Tham và tưởng là trọng điểm của tánh người.
Do tham và tưởng về tài, tham và tưởng về sắc, tham và tưởng về danh, tham và tưởng thực, tham và tưởng về thùy, hay còn gọi là tham và tưởng về tài, sắc, danh, thực, thùy mà quyết định mức độ, cấp độ của sân, si, mạn, nghi, ác, kiến; quyết định thọ cái gì, hành thế nào và thức ra sao.
Tham nghĩa là ham muốn, hay còn gọi là mong muốn. Bản chất tham không có vấn đề nhưng do hiện nay chúng ta đồng hóa tham thành tham lam nên nói tham là xấu, là tệ. Thực chất tham chỉ là mong muốn mà thôi. Con người luôn luôn ham muốn một cái gì đó: tham con mình trưởng thành, tham thấu hiểu chính mình…. Ngay cả Đức Phật cũng có tánh tham này, đó là tham phổ độ chúng sinh, tham khai thị con người ngộ nhập Phật tri kiến.
Tưởng: có 3 trạng thái của tưởng: tưởng tượng (hiện tại), tưởng nhớ (quá khứ), liệu định (tương lai). Con người đặt cái tưởng về quá khứ thì tưởng nhớ, nhưng cái tưởng ở hiện tại thì đó là tưởng tượng, còn nếu đặt cái tưởng về tương lai thì đó là liệu định.
Con người mà không còn tham và tưởng nữa – tức là không còn ham muốn, mong muốn gì cho hiện tại, cho tương lai, không nhớ gì đến quá khứ thì không còn là con người nữa. Nên, tham và tưởng là trọng điểm của tánh người. Có thể là tham và tưởng về tài, tham và tưởng về sắc, tham và tưởng về danh, tham và tưởng về thực, tham và tưởng về thùy hoặc tham và tưởng về cả tài, sắc, danh, thực, thùy.
Tham và tưởng về tài thì có thể theo 2 trường hợp là tiền tài, tức là ham muốn kiếm tiền và tưởng là tương lai mình sẽ làm được cái này cái kia để kiếm tiền; tham và tưởng về tài với nghĩa tài năng như là học hết cái này cái kia để có tài năng…
Tham và tưởng về sắc: gồm sắc thân, sắc tướng.
Trọng sắc thân: coi trọng bản thân. Người sắc thân rất chú trọng chăm sóc bản thân, cái gì gây ra sự tổn hại cho thân là họ sẽ không làm, tập thể dục ăn uống ngủ nghỉ đàng hoàng, cái gì đó quẹt lên đứt tay là thấy tổn tương khủng khiếp, rồi phải ăn sao cho nó tốt để cung phụng cho sắc thân, đi ra ngoài là phải chỉn chu, diện mạo phải đẹp đẽ, sang trọng…
Sắc tướng: hướng sự coi trọng ra không gian xung quanh. Người sắc tướng nhìn nhà dơ là không chịu nổi, ăn mặc phải phù hợp – không chỉ mình mà yêu cầu cả với người xung quanh mình (sắc tướng thời trang), treo bức tranh bị lệch cũng không chịu được. Sắc tướng ngôn ngữ thì muốn tròn vành rõ chữ, nói đúng chính tả và ngữ pháp nếu không thì khó chịu, ngủ phải ngủ chỗ đẹp, êm, có người sắc tướng trong công việc thì làm việc phải chỉn chu….
Tham và tưởng về danh: mong muốn mình nổi tiếng hoặc mong muốn mình không nổi tiếng đừng ai biết đến mình (cũng là tánh danh theo chiều hướng vi tế lệ thuộc tham và tưởng)
Tham và tưởng về thực: ăn phải ăn ngon thì mới được, có người ăn sao cũng được (không tham và tưởng về thực). Tánh thực thì giữ nguyên nhưng tham và tưởng gắn vô quyết định chúng ta hành xử sao với chuyện ăn.
Tham và tưởng về thùy: có người không ngủ được, có người ngủ li bì ở các giai đoạn khác nhau, nếu cộng thêm sắc tướng nữa thì phải ngủ chỗ đẹp mới được. Hoặc có người bị bệnh gì không biết chỉ cần cho ngủ một đêm dậy là hết.
Tham và tưởng về cái gì sẽ khởi tạo vòng ngoài theo chiều hướng nào, quyết định thọ cái gì, hành ra sao, thức thế nào. Do tưởng mà dẫn dắt mình đi. Một ý niệm của con người thôi có thể dẫn dắt con người đi xa hàng vạn dặm. Ngồi ở đây tưởng tới Mỹ thì nó dẫn mình qua Mỹ. Xã hội này dẫn dắt được người khác là do phù hợp tham tưởng nên dẫn dắt được. Ai đó dẫn dắt chúng ta thì do phù hợp tham tưởng mà dẫn dắt thôi. Nếu muốn dẫn dắt con cái giàu toàn diện thì làm con tham tưởng về giàu toàn diện, nếu không thì con cũng tham tưởng theo chiều hướng tệ. Nếu không dẫn dắt con tham tưởng theo con đường sáng thì con cũng bị dẫn dắt theo con đường tối…
Do cấu trúc của tánh người được bao bọc bởi điện từ âm dương nên là tánh người có lúc lên lúc xuống, tức là tánh người có biên độ dao động của nó. Mức độ – cấp độ của các tánh tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến có cấp độ mức độ từ thấp đến cao hay là từ âm đến dương.
- Tánh tham: là ham muốn. Mức độ – cấp độ thấp (âm) của tánh tham là tham lam – chỉ tham cho cá nhân mình. Mức độ cấp độ cao (dương) là hào phóng – ham muốn cho người khác, cho chủ thể khác. Ví dụ tham tài mà tham cho cá nhân mình thôi thì bị đánh giá là tham lam, nhưng tham tiền cho người khác thì là hào phóng – lấy tiền cho người ta mà! Hay tánh tham thực là tham ăn – nếu tham cho cá nhân mình, ăn cho riêng mình, không ai giành ăn với mình được thì đó là tham lam nhưng mình tham thực mà tham cho chủ thể khác, mình thích nấu cho người khác ăn, hoặc tạo điều kiện cho mọi người ăn ngon nhất có thể thì đó được gọi là hào phóng. Tham đừng nghĩ nó tệ, nó xấu, đó chỉ là ham muốn và có dao động từ âm sang dương: Tham cho bản thân mình là tham âm (tham lam), tham cho chủ thể khác là tham dương (hào phóng). Tham mà tham giúp đỡ người khác thì đâu có xấu! Nhưng có lúc cũng cần tham cho riêng bản thân mình. Người mà suốt ngày chỉ đi nghĩ cho người khác, chỉ lo giúp người khác mà quên cả bản thân mình thì có phải sẽ được người khác khuyên nên nghĩ cho bản thân, cho chính mình một chút, hãy quay về yêu bản thân, đừng chỉ có biết nghĩ cho người khác thôi. Đừng nghĩ hào phóng là tốt, quá hào phóng cũng không tốt. Mà nếu chỉ tham cho bản thân thôi không nghĩ cho ai thì cũng không được. Nên là có tham thì cũng phải dựa trên 4 động lực sinh tồn là cá nhân – gia đình – tổ chức và xã hội, cùng lúc tham cả 4 điều này.
- Tánh sân: sân thì nghĩa là giận dữ, nhưng tánh sân thì có biên độ dao động. Mức độ cấp độ thấp (âm) của sân là giận dữ, mức độ – cấp độ cao (dương) của sân là hài lòng.
- Tánh si: mức độ cấp độ thấp (âm) của tánh si là mê muội; mức độ cấp độ cao (dương) của tánh si là sáng suốt.
- Tánh mạn: mức độ cấp độ thấp (âm) của tánh mạn là tự ti, mức độ cấp độ cao (dương) của tánh mạn là tự cao. Tự cao cũng không phải là tệ, thông thường hiện nay chúng ta hay đồng hóa khái niệm một người tự cao là tệ nên nghe nói tự cao thì thấy không dương lắm. Tự tin thì đứng ở giữa.
- Tánh nghi : mức độ cấp độ thấp (âm) của tánh nghi là nghi ngờ, mức độ cấp độ cao (dương) của tánh nghi là tin cậy. Tin tưởng ở giữa, không cao bằng tin cậy.
- Tánh ác: mức độ cấp độ thấp (âm) của tánh ác là tàn ác, mức độ cấp độ cao (dương) của tánh ác là lương thiện. Tánh người thì không nên đồng hóa với thuật ngữ của nó. Ác thì đại diện cho tàn ác, nhưng bản chất cái tánh con người thì có từ lương thiện đến tàn ác.
- Tánh kiến: mức độ cấp độ thấp (âm) của tánh kiến là cố chấp, mức độ cấp độ cao (dương) của tánh kiến là chấp nhận.
- Khi các tánh này phức hợp với nhau sẽ tạo nên cung bậc cảm xúc, cung bậc tánh người. Có lúc thì tánh sân bị đẩy lên thế này, tánh si bị đẩy thế kia,.. nhưng đều bắt nguồn từ tham tưởng. Chính tham tưởng của con người là trọng điểm để khởi tạo các tánh còn lại theo chiều hướng nào. Thỏa mãn được tham tưởng thì con người sẽ đẩy được tất cảcác tánh tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến theo chiều hướng dương; còn nếu không thỏa mãn được tham tưởng hoặc không dừng lại được thì bị đẩy xuống theo chiều hướng âm. Và chính tham tưởng của con người về tài, sắc, danh, thực, thùy quyết định cái thọ, hành, thức.
- Ví dụ chúng ta tham tưởng về sức khỏe, về sắc thân thì khi đó đọc một cuốn sách y học sẽ khiến cái thức được mở, cái thọ sẽ đưa vào khiến cho chúng ta hiểu sâu hơn những kiến thức về sức khỏe. Do tham tưởng mà chúng ta hấp thu tốt kiến thức, nếu không có tham tưởng thì sẽ không hấp thu tốt. Rồi cái hành là truy xuất ra.
- Con người có biên độ dao động về tánh. Bản chất tài, sắc, danh, thực, thùy hay thọ, tưởng, hành, thức không có điện từ âm hay dương mà do cái tham cộng vào nên mới quyết định điện từ âm dương và khi đó sẽ khởi tạo sân, si, mạn, nghi, ác, kiến theo chiều hướng nào.
Quan sát trong xã hội sẽ thấy đa phần những người lao động tầng thấp sẽ dùng cái này nhiều, thường đẩy tài, sắc, danh, thực, thùy theo chiều hướng âm nhiều, bởi vì tham tưởng của họ về tài, sắc, danh, thực, thùy không đạt nên họ đẩy theo chiều hướng âm. Còn những người thành công, thành đạt trong cuộc sống thì tham tưởng về tài, sắc, danh, thực, thùy họ đẩy theo chiều hướng dương. Những người trí thức, giới chuyên về nghiên cứu, về học thuật thì tham tưởng được đẩy theo hướng thọ, tưởng, hành, thức theo chiều hướng vào bên trong. Mỗi cấp bậc, mỗi vùng tánh nào nhiều sẽ quyết định cái tầng xã hội của họ. Có những người tối ngày giận dữ, nóng nảy, tham lam,.. là do họ đẩy điện từ của tánh này theo chiều hướng âm.
4. Nội tâm là gì?
Trong cấu trúc con người, thân là yếu tố hữu hình, là vật chất. Còn những yếu tố vô hình bên trong của chính họ (yếu tố phi vật chất) bao gồm tâm, tánh, tình (theo cách gọi dân gian). Đó chính là nội tâm của con người chúng ta.
Nội tâm của con người chính là tâm, tánh, tình. Hay còn gọi là nội tâm con người bao gồm sự chân thật nơi chính họ, 16 tánh người và lớp tình của con người.
4.1 Làm chủ Nội tâm
Cách thức truyền tải của một thông điệp vào nội Tâm – 3 trạng thái của nội tâm:
Khi có một thông điệp truyền tải đến con người chúng ta, nó phải trải qua một lớp thân người – đó là thông qua ngũ quan mắt, mũi, miệng, tai, cảm giác…, sau đó đi vào lớp tình, lớp tánh và tới lớp tâm. Để bước vào thế giới nội tâm thì cần nắm được một số thuật ngữ.
- Khi thông điệp truyền tải chạm tới lớp tình của chúng ta nghĩa là chúng ta đang dùng tình để đối đãi.
- Khi thông điệp truyền tải chạm tới lớp tánh của chúng ta nghĩa là chúng ta đang dùng tánh để phân tích, phân biệt.
- Khi thông điệp truyền tải chạm tới lớp tâm của chúng ta nghĩa là chúng ta đang dùng tâm để đón nhận.
Như vậy, khi đối diện với một thông điệp, có những người họ dùng tình – dùng cảm xúc để đối đãi, còn có một số người khi đối diện với một thông điệp được truyền tải họ có tư duy phân tích – phân biệt rất là rõ nét. Cũng có một số người chỉ có dùng tâm để đón nhận.
Đây là 3 trạng thái cảm xúc của nội tâm đặc biệt: dùng tâm để đón nhận, dùng tánh để phân tích phân biệt, dùng tình để đối đãi. Nó sẽ quyết định mức độ làm chủ nội tâm của mỗi người.
Quan sát bản thân hay những người xung quanh, chỉ cần chạm vô lớp tình là chúng ta cảm nhận được là dùng tình để đối đãi.
Còn nếu chạm đến lớp tánh đó là khi có những sự việc, khi vừa đón nhận thông điệp thì lập tức phân tích phân biệt nó, suy nghĩ nhiều khía cạnh khác nhau – lúc này chúng ta đang dùng tánh.
Ví dụ ai đó khen mình xinh đẹp, bản thân mình thấy thích quá, rất vui – đây chính là đang dùng cảm xúc của bản thân, dùng tình để đối đãi với thông điệp truyền tải tới. Nhưng khi ai đó khen mình xinh đẹp quá mà bản thân mình hỏi lại: “Đâu, đẹp chỗ nào đâu, thấy da đẹp hay khuôn mặt đẹp, nói nghe xem nào?” – thì chính là đang dùng tánh để phân tích phân biệt coi tại sao người ta khen mình xinh đẹp vậy.
Còn khi có người khen mình “sao dạo này thấy xinh đẹp quá!” thì bản thân chỉ dừng ở biết là người đó nói mình xinh đẹp thôi và ngừng lại, không có bất kỳ suy nghĩ nào nữa hết, không có cảm xúc nào phát sinh thì có nghĩa là bản than mình đang dùng tâm để đón nhận.
Con người chúng ta dùng tâm để đón nhận hay dùng tánh để phân tích phân biệt hoặc dùng tình để đối đãi thì nó sẽ quyết định mức độ làm chủ nội tâm của mỗi người.
Khái niệm “Làm chủ nội tâm”
Làm chủ tức là chủ động và chịu trách nhiệm.
Làm chủ nội tâm là chủ động chọn lựa và chịu trách nhiệm với chọn lựa bên trong nội tâm để làm chủ hoàn cảnh bên ngoài.
Trong cuộc sống, con người cần có sự chủ động chọn lựa một cách linh hoạt cả 3 trạng thái của nội tâm: dùng tâm để đón nhận, dùng tánh để phân tích phân biệt, dùng tình để đối đãi để phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh.Không phải trường hợp nào cũng dùng tâm để đón nhận hay dùng tình để đối đãi hoặc chỉ dùng tánh để phân biệt. Ví dụ như khi thấy trộm vào nhà khuân đồ đạc nhà mình đi mà chỉ dùng tâm để đón nhận, không khởi phát bất kỳ điều gì thì không phù hợp.Hay khi ai đó, đặc biệt là người thân khen mình, nói lời yêu thương với mình mà mình cũng chỉ đón nhân, biết là họ đang khen vậy thôi, không phản ứng gì hết thì dễ khiến quan hệ trở nên khó xử, lâu ngày sẽ trở nên xa cách.Trong công việc hay học tập rèn luyện, nếu chỉ dùng tâm để đón nhận, biết là nó như vậy thôi, không phân tích phân biệt để đánh giá đúng sai, nên hay không nên thì không thể mang lại kết quả, không thể có sự tiến bộ.Khi có một điều bất như ý đến như là bị chỉ trích, chê bai… mà cứ dùng tình để đối đãi thì rất dễ khiến bản thân có cảm xúc tiêu cực.
4.2 Làm chủ Nội tâm
Khái niệm Tánh không nội tâm: Khi dùng sự chân thật nơi chính mình đón nhận thông điệp, không có tánh và tình chen vào (không dính mắc vào tánh và tình) thì đạt đến trạng thái tánh không của nội tâm.Chúng ta hình dung: một thông điệp truyền tải vào bên trong con người thì sẽ chạm vào lớp tình, đến lớp tánh và vào đến lớp tâm.Hay nói cách khác, cái ý nghe hay cái ý thấy nó dính vào lớp tánh và lớp tình của con người để nhìn nhận về một thông điệp nào đó truyền tải đến, bản chất như ánh nắng mặt trời chiếu qua khe cửa. Quan sát sẽ thấy có bụi phát sinh, ẩn trong ánh nắng. Nhưng ánh nắng vẫn luôn chiếu xuyên suốt đến nơi cần chiếu, đến đích – như là mặt sàn.Lúc này, bụi trong ánh nắng là đại diện cho lớp tánh và lớp tình. Nếu bụi này mà luân chuyển nhiều quá thì ánh sáng của nắng bị cản trở, nó không được chiếu trong suốt. Vậy thì khi cái nghe của con người mà bị dính mắc vào lớp tánh, lớp tình của con người thì không còn cái nghe chân thật nữa; cái thấy mà bị dính vào lớp tánh, lớp tình của con người thì không còn cái thấy chân thật nữa.Là bởi vì cái ý thấy, ý nghe thì chỉ biết là đang thấy, đang nghe như vậy thôi, thông điệp truyền tải vừa đến nó, nó chỉ biết vậy thôi, không có tánh không có tình của con người lắp vào thì đó được gọi là cái cái nghe chân thật nhất – cái thấy chân thật nhất. Đạt được cái cái nghe chân thật, thấy chân thật chính là trạng thái tánh không của nội tâm.Ví dụ khi nghe ai đó nói mình bị “khùng” mà mình chỉ biết là nghe vậy thôi, không có khởi cảm xúc gì, không có sự phân tích phân biệt hay suy nghĩ gì phát sinh, đó chính là đang nghe chân thật, là đạt đến trạng thái tánh không của nội tâm, tâm không bị loạn.
Nghĩa là khi nghe ai đó nói mình bị khùng thì lúc đó chỉ biết nghe vậy thôi, không có bất kì điều gì xảy ra, là dùng sự chân thật nơi chính mình để đón nhận thông điệp truyền tải là “bị khùng”. Lúc này nghe từ “bị khùng” nó không có bất kỳ ý nghĩa gì, chỉ biết là nghe thấy từ “khùng” đó thôi. Từ “khùng” này không có ý nghĩa gì hết, không biểu đạt gì hết, nghe từ “khùng” cũng như nghe bất kỳ từ nào khác, chỉ là một thông điệp thôi. Ngay giây phút đó tâm không bị loạn lên, không bị dính vào tánh và tình, sự chân thật bên trong con người nó chỉ biết như vậy thôi thì đó chính là đạt trạng thái tánh không của nội tâm.
Hoặc khi một người cầm cây bút lên hướng về mình và hỏi “đây là gì?” mà mình trả lời “là cây bút” thì không đạt được trạng thái tánh không nội tâm, vì khi đó bản thân đã dùng tánh để phân biệt vật đó là gì rồi.
Cũng tình huống như trên, khi một người cầm cây bút lên hướng về mình và hỏi “đây là gì?” mà bản thân chỉ dừng ở việc nhìn thấy vật người đó cầm thôi, không khởi lên bất kỳ suy nghĩ gì khác, không phản ứng lại với câu hỏi của người đó tức là dừng ở việc thấy như vậy thôi – là cái thấy chân thật nơi chính mình. Đó là trạng thái tánh không của nội tâm.
Tánh không nội tâm khác với vô cảm. Người vô cảm là đang dùng cái tưởng của mình đặt vào đâu đó ở một nơi khác (nghe như không nghe, thấy như không thấy) nên thờ ơ với mọi việc đang diễn ra quanh mình. Còn tánh không của nội tâm là dùng sự chân thật nên cái tưởng tự dừng lại. Tánh không là biết cái gì đang xảy ra, biết nó đang tồn tại như vậy nhưng không có tưởng phát sinh – dùng sự chân thật nơi chính mình để đón nhận thông điệp truyền tải.
Tóm lại, một thông điệp truyền tải đến mà con người nghe chỉ biết là nghe, thấy chỉ biết là thấy, không khởi lên bất kỳ điều gì, không bị dính vào lớp tánh hay lớp tình, chỉ dùng sự chân thật nơi chính mình để đón nhận thông điệp, thì ngay giây phút đó đạt được trạng thái tánh không của nội tâm.
Tánh không nội tâm là vô hình vô tướng, chỉ có thể nhận được hay không nhận được, không hiểu được, “nóng lạnh tự biết”. Chỉ bản thân mỗi người tự biết mình có nhận được tánh không nội tâm hay chưa. Người nhận được tánh không thì tính không được khởi tạo.
Khi đạt được trạng thái tánh không cũng tức là tâm cảnh tách nhau ra. Dùng sự chân thật để đón nhận thông điệp truyền tải – nghe chỉ biết là đang nghe, thấy chỉ biết là đang thấy,
biết mình đang biết, không không dính mắc vào tánh, con người đơn giản đạt được sự an vui, nhẹ nhàng.
Ứng dụng tánh không nội tâm: Khi vấn nạn đến, khởi tạo tánh không thì vấn nạn tan ra và khi đó chúng ta nhận được trạng thái an vui. Con người khi dính mắc vào lớp tánh, lớp tình thì tâm dễ loạn, trong giây phút hoảng loạn sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Vậy nên phát sinh vấn đề thì mình khởi tạo tánh không cho nó khỏe, không có tánh không thì bị dính mắc và khi đó thì sân si xuất hiện. Lúc đó mà dùng tư duy thì nặng nề, khởi tánh không xong nó sẽ buông luôn. Ví dụ như trong kinh doanh những tin đồn nặng nề xuất hiện, một đêm ngủ dậy mất hết tài sản…, khởi tạo tánh không thì mình nhẹ nhàng hơn và xử lý công việc tốt hơn.
Khi bất như ý tới thì mình dùng tánh không để tách tâm cảnh và mình sáng suốt hơn thì khi đó đứng trên vấn đề và biết cách xử lý. Để khởi tạo tánh không, áp dụng phương pháp Nhất tự thiền của nhà Phật: buông – dừng – thôi – dứt để tách tâm với cảnh.
5. Tổng nghiệp
Tổng nghiệp là tổng tất cả những suy nghĩ hành động ở hằng hà sa số đời. Nói cách khác tổng nghiệp là sự huân tập của nghe thấy nói biết qua hằng hà sa số đời được chứa trong tàng thức (hay tiềm thức).
Tổng nghiệp có tổng nghiệp thức, tổng nghiệp duyên, tổng nghiệp quả.
- Tổng nghiệp thức là tổng những kiến thức, tri thức, hiểu biết được huân tập qua nghe thấy nói biết từ hằng hà sa số đời.
- Tổng nghiệp duyên là tổng tất cả những nhân duyên giữa con người ở hằng hà sa số đời. Nhân duyên chúng ta gặp trong cuộc đời này, không gặp người này gặp người kia, sinh ra trong gia đình nào, cưới người vợ nào, tại sao người vợ này lại cưới mà người kia quen một thời gian lại chia tay, trong một gia đình thì người nào anh, người nào em, trong số anh em thì mình thân với người anh này hơn…, tất cả là do nghiệp duyên quy định.
- Tổng nghiệp quả là tổng tất cả những kết quả cuộc sống con người đã trải qua trong hằng hà sa số đời. Nghiệp quả là những thành tựu trọng cuộc sống như có bao nhiêu căn nhà, có bao nhiêu tiền, công danh, sự nghiệp ở mức nào…
Con người sinh ra đã có sẵn tổng nghiệp, lý giải được vì sao mình sinh ra trong gia đình này mà không phải gia đình khác… Tổng nghiếp đã đi theo chúng ta hằng hà sa số đời rồi, những gì chúng ta từng nghe thấy nói biết trong quá khứ thông qua lớp tánh, lớp tình huân tập tạo ra nghiệp thức, nghiệp duyên, nghiệp quả và lưu trong tiềm thức của chúng ta trong cấu trúc con người.
- Ví dụ nghiệp thức: khi chúng ta học, chúng ta nhận được điều gì đó thì khi đó đã lưu lại trong đầu chúng ta, chúng ta nghĩ là quên nhưng khi cần là nó hiện diện.
- Ví dụ nghiệp duyên: vợ chồng lấy nhau rồi sinh con, con sinh có những bé được chăm sóc chu đáo, kỹ lưỡng, nhưng lại có bé sinh ra thì phục vụ và nuôi cha mẹ tới cuối đời.
- Ví dụ về nghiệp quả: chúng ta đang có nhà, có xe, có nghề ước mơ… những gì chúng ta đang sở hữu.
Ngoài tổng nghiệp còn có vi biệt nghiệp (vi là nhỏ, biệt là đặc trưng, khác biệt). Vi biệt nghiệp là những nghiệp đặc biệt biểu hiện ra cơ thể ví dụ nốt ruồi, bớt…, đặc trưng riêng mỗi người một kiểu không ai giống ai. Vi biệt nghiệp thuộc nghiệp quả.
Tổng nghiệp luôn có sẵn. Tổng nghiệp quy định giờ ngày tháng năm sẽ diễn ra điều gì, sẽ gặp ai… nên tổng nghiệp là do bản thân chúng ta huân tập từ hằng hà sa số đời. Chính vì thế mọi việc trong cuộc sống xảy đến, chúng ta nên đón nhận thay vì oán trách. Hiểu tổng nghiệp không phải là cam chịu mà để mình thấu hiểu nguyên lý vận hành của nó để mình kích hoạt các tổng nghiệp thức duyên quả sao cho có lợi cho mình trong cuộc sống. Để làm được điều này chúng ta cần thấu hiểu trạng thái rung động điện từ nội ảnh hưởng đến tần số rung động năng lượng bên ngoài.
Trạng thái rung động điện từ nội tâm có rung động âm, dương và cân bằng, tương ứng tần số rung động năng lượng thấp, cao và siêu cao. Từ nhận thức nội tâm sẽ quyết định trạng thái rung động điện từ nội tâm. Trạng thái rung động điện từ nội tâm quyết định tần số rung động năng lượng. Tần số rung động năng lượng quyết định nhân sinh quan, thế giới quan và vũ trụ quan của chúng ta.
Ví dụ khi nhận thức nội tâm về hôn nhân hoà hợp thì trạng thái rung động điện từ nội tâm khi nhắc đến chồng là yêu thương, vui vẻ… Đó là rung động chiều hướng dương và phát ra tầng số rung động năng lượng cao và quyết định hôn nhân hoà hợp. Tương tự với sức khoẻ, tài chính, nội tâm của chúng ta. Khi Tần số rung động năng lượng thấp thì nghe, thấy, nói, biết sẽ không tích cực, còn Tần số rung động năng lượng cao thì nghe, thấy, nói, biết tích cực. Tần số rung động Năng lượng siêu cao (có nghĩa là trạng thái rung động điện từ nội tâm cân bằng) thì chỉ nghe biết là nghe, thấy biết là thấy.
6. Ba khối đức
3 khối là khối công đức, khối phước đức và khối ác đức. Khối công đức nằm trong vỏ bọc tánh chân thật, khối phước đức và ác đức nằm trong vỏ bọc tánh người.
- Khối ác đức hay còn gọi là một khối điện từ âm được tích tạo thông qua việc làm cho người khác đau khổ. Khi có điện từ âm thì thường diễn ra những điều bất như ý trong cuộc sống. Ví dụ nếu nói đến hôn nhân gia đình mà mình thấy khó chịu, không vui vẻ, không hạnh phúc thì mình nói mình đang tích điện từ âm nhiều trong khía cạnh hôn nhân gia đình.
- Khối phước đức hay còn gọi là khối điện từ dương được tích tạo thông qua việc giúp cho người khác vui vẻ. Khi có điện từ dương thì cuộc sống hay công việc được như ý. Không chỉ là làm cho người khác vui vẻ mà còn sâu sắc hơn là thông qua sự vui vẻ đó làm cho cuộc sống người ta tốt lên. Ví dụ trong kinh doanh bán hàng mà mình làm cho người ta vui, người ta mua hàng thì mình có tiền, có tiền đó chính là một loại phước đức.
- Khối công đức hay còn gọi là khối điện từ quang được tích tạo thông qua việc nâng tầm nhận thức nội tâm, nâng tầng bậc trí tuệ (tầng bậc 3) hay nói cách khác giúp cho người khác nhận được sự chân thật nơi chính mình. Theo góc nhìn của nhà Phật, một người có công đức khi giúp người khác giác ngộ và giải thoát.Công đức như một núi vàng khó bị đốt cháy nhưng dễ bị bôi đen.
Phước đức như một núi tiền chỉ cần một que diêm là có thể đốt cháy.
Những điều ảnh hưởng đến phước đức:
- Oán trách: Oán thán, than trách làm tan đi dòng điện từ dương vì bản chất nó là dòng điện từ âm. Ví dụ trong quan hệ vợ chồng bao nhiêu năm xây dựng, bền chặt nhưng khi gặp một biến cố nào đó tự nhiên mình oán trách thì mối quan hệ có thể bị rạn nứt đi. Khi đó là mất phước. Người nữ dễ bị mất phước do oán trách do thân của người nữ mang điện từ âm cao hơn. Người nam nhanh bị mất phước do oán trách, vì thân người nam mang điện từ dương cao hơn, dương quá hoá âm, nhanh tán phước của mình.
- Ngạo mạn: Người nam dễ mất phước do ngạo mạn, thân mang điện từ dương cao lên, cao ngạo. Người nữ thì nhanh mất phước, cao ngạo tự cho mình làm được thì nhanh mất phước.
- Sân si: giận dữ
- Tà dâm: Tuỳ theo định kiến của xã hội mà mức độ mất phước khác nhau.
Điều ảnh hưởng đến công đức là chấp kiến.
Tổng kết
Như vậy thì chúng ta đã thắp lên được ngọn đèn giàu Tâm thái, người giàu Tâm thái là người có được sự trân trọng biết ơn ở Tình, bao dung ở Tánh và an vui ở Tâm.
Người giàu Tâm thái thì sẽ giữ trạng thái rung động điện từ nội tâm ở cân bằng và hướng dương, kích hoạt được những hạt giống tổng nghiệp trong tiềm thức theo chiều hướng tốt đẹp.
An vui thì sẽ kích hoạt nghiệp Thức, Bao dung kích sẽ hoạt nghiệp Duyên, Trân trọng biết ơn sẽ kích hoạt nghiệp Quả.
Từ đó, con người rất đơn giản để có cuộc sống tốt đẹp.
Trân trọng biết ơn các anh chị đã đón nhận tri thức này. Xin trân trọng biết ơn Thầy, biết ơn các anh/chị/em trong WIT!