loader image

Quả: Nghề Ước Mơ – Cuộc Sống Ước Mơ – 7 Cảnh Giới Cuộc Sống (Phần 3)

Ở phần chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng nhau thấu suốt về 7 cảnh giới cuộc sống. Vậy 7 cảnh giới cuộc sống là gì? Công việc, kinh doanh, sự nghiệp, hạnh phúc như thế nào thì mới đạt được 7 cảnh giới trong cuộc sống? Như chúng ta đã biết 7 cảnh giới cuộc sống (Cảnh giới cuộc sống số 7) là đích đến cao nhất của mỗi chúng ta trong cuộc đời này.

Ở những bài chia sẻ trước, chúng ta đã cùng nhau thấu suốt về Nghề ước mơ và Cuộc sống ước mơ và chúng ta cũng đã nắm rõ trong Tam giác hiện thực về Quả như ý thì 7 cảnh giới cuộc sống chính là Quả của Quả như ý. Trong phần chia sẻ này chúng ta sẽ cùng nhau thấu suốt để rõ hình và rõ lộ trình từng bước giúp chúng ta đơn giản đạt được cảnh giới số 7. Cùng tìm hiểu nhé!

Phần 3: 7 cảnh giới cuộc sống

7 cảnh giới cuộc sống
7 cảnh giới cuộc sống

Cảnh giới 1: Đi làm + Lương = Công việc

Cảnh giới 2: Công việc + Làm chủ = Kinh doanh

Cảnh giới 3: Kinh doanh + Lợi nhuận = Sự nghiệp

Cảnh giới 4: Sự nghiệp + Trưởng thành = Thành công

Cảnh giới 5: Thành công + Sức khoẻ tốt + Gia đình hoà hợp = Hạnh phúc

Cảnh giới 6: Hạnh phúc + Giúp người hạnh phúc = Giá trị

Cảnh giới 7: Giá trị + Truyền ra = Văn Hoá.

Với 7 cảnh giới cuộc sống này, chúng ta phấn đấu đặt mục tiêu đạt cảnh giới số 7 và để thuận lợi trên hành trình thì chúng ta cùng lúc đi cả 7 cảnh giới, thuận duyên khi đạt được là đạt được 7 cảnh giới luôn. Nếu cảnh giới nào đang là trở ngại với bạn ở thời điểm hiện tại thì ta có thể chậm cảnh giới đó lại một nhịp và làm các cảnh giới cao hơn cảnh giới bạn đang bị kẹt lại. Thuận duyên đạt được cảnh giới cao thì sẽ đơn giản hỗ trợ mình đạt được cảnh giới trước đó.

Chúng ta cùng đi vào làm rõ 7 cảnh giới cuộc sống:

1. Đi làm + Lương = Công việc

Đi làm là một khái niệm nói về việc chúng ta có một công cụ, phương tiện để tạo lập giá trị. Chúng ta có một công việc để làm, ngày ngày từ công việc đó, giúp chúng ta tạo lập được giá trị nào đó cho xã hội.

Theo khái niệm này thì một người phụ nữ ở nhà nội trợ và nuôi con, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa… họ vẫn tạo tập giá trị mỗi ngày nên họ vẫn là người có công việc.

Đi làm là một việc rất quan trọng, đây là yếu tố đầu tiên và cần thiết, là nền tảng để nâng các cảnh giới cuộc sống lên cao. Bởi chỉ khi có một công việc gì đó để làm thì chúng ta mới có công cụ tạo lập giá trị, nếu không có gì để làm, chúng ta không tạo ra được giá trị gì cả, không có cơ hội để giúp được ai, không thể tích tạo được công đức phước đức.

2. Công việc + Làm chủ = Kinh doanh

Làm chủ là gì?

Làm chủ là một khái niệm chỉ về tâm thái của một người khi làm việc họ chủ động và chịu trách nhiệm với tất cả những gì họ làm.

Làm chủ là mình có một công việc để làm, mình hoàn toàn làm chủ công việc đó, làm chủ công cụ phương tiện tạo lập giá trị. Có toàn quyền quyết định vận hành công việc đó như thế nào thì mình là một người kinh doanh, đạt cảnh giới số 2.

Tâm thái làm chủ

Nhưng nếu như một người đi làm thuê, được trả công hàng tháng, nhưng họ thực sự tâm huyết với công việc, họ chủ động mọi thứ trong công việc, họ tự biết phải làm những công việc gì, khi có gì đó xảy đến họ chủ động đứng ra giải quyết và chủ động chịu mọi trách nhiệm.

Vậy thì người này có tâm thái của một ông chủ. Thế nhưng vì họ đi làm thuê, nên họ không làm chủ sở hữu một công ty, một doanh nghiệp, một công việc nào đó của riêng mình, nên họ có một công việc, họ có đủ tâm thái làm chủ thế nhưng họ vẫn không được xem là kinh doanh.

Vì làm chủ ở đây nó khác nhau về bản chất, nếu đi làm thuê mà có tâm thái làm chủ thì bản chất vẫn là đi làm thuê và được người khác trả công. Còn việc làm chủ trong kinh doanh có nghĩa là mình làm chủ và mình là người trả công, trả lương cho người khác. Nhưng một người đi làm thuê mà có tâm thái làm chủ thì họ cũng sớm trở thành ông chủ thực sự.

Cảnh giới số 2 lên số 3 vẫn là một cảnh giới cản trở nhiều người trong xã hội nhất

Trong 7 cảnh giới cuộc sống thì cảnh giới số 2 lên số 3 vẫn là một cảnh giới cản trở nhiều người trong xã hội nhất. Xã hội mình không có nhiều người có tư duy kinh doanh, phần đông vẫn tư duy theo hướng học thật giỏi, chuyên môn thật giỏi để được thuê làm những công việc ngon hơn với mức lương được trả hậu hĩnh hơn.

Chúng ta hiểu rõ rồi thì sẽ có lộ trình để đổi lại tư duy. Tuy nhiên hành trình lên nấc thang cảnh giới số 7, không nhất thiết phải đi từ từ từng cảnh giới một, mà chúng ta đồng thời có thể làm cả 7 cảnh giới, thế nên cảnh giới nào còn lấn cấn, còn trở ngại, ta chưa thuận duyên làm thì ta đi làm những cảnh giới khác, thuận duyên sẽ từ từ quay lại hỗ trợ ta đạt được cảnh giới này.

Thế nên nếu chúng ta đang chưa có cơ hội đang làm chủ một hoạt động kinh doanh nào đó thì tạm thời ta để việc làm kinh doanh sang một bên và đi tiếp các cảnh giới khác.

3. Kinh doanh + Lợi nhuận = Sự nghiệp

Khi bạn có một hoạt động kinh doanh mà nó đem lại cho bạn lợi nhuận thì bạn đã có một sự nghiệp. Khi kinh doanh mà lĩnh vực kinh doanh lại tạo ra được lợi nhuận điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh của bạn mỗi ngày một phát triển lớn mạnh hơn. Bạn bám trụ vào kinh doanh đó và phát triển thì bạn sẽ có một sự nghiệp.

Nhưng nếu như bạn không có hoạt động kinh doanh, bạn vẫn đi làm thuê, nhưng bạn tích góp được một số vốn, bạn học cách đầu tư và việc đầu tư đó sinh ra được lợi nhuận, thì người này dù không kinh doanh vẫn đạt được cảnh giới cuộc sống số 3. Tuy nhiên khi bạn có một hoạt động làm chủ kinh doanh của bạn thì sẽ đơn giản hơn để đạt được cảnh giới cuộc sống này.

4. Sự nghiệp + Trưởng thành = Thành công

Ở cảnh giới này chúng ta tập trung cho sự trưởng thành. Có 3 khía cạnh trưởng thành, trưởng thành về quan niệm, mối quan hệ xã hội và chuyên môn. Khi chúng ta có một công cụ phương tiện để làm, thuận duyên bám trụ vào sự nghiệp của mình, cho mình được phát triển và trưởng thành hơn mỗi ngày.

Sự nghiệp + Trưởng thành = Thành công
Sự nghiệp + Trưởng thành = Thành công

 

Trưởng thành về chuyên môn là khi càng làm công việc của mình, ta càng hiểu sâu sắc về lĩnh vực ngành nghề đó. Chúng ta trở thành chuyên gia trong lĩnh và càng làm lâu thì ta càng phát triển sâu và rộng hơn.

15 khái niệm nguồn cho ngành nghề chúng ta làm

Đến một thời điểm chúng ta hiểu rõ và có thể tổng hợp được 15 khái niệm nguồn cho ngành nghề chúng ta làm: Quy luật, nguyên lý, chìa khoá, công thức, nguyên tắc, phương pháp, công cụ – phương tiện, môi trường, quan niệm, tâm thái, năng lực, văn hoá, hệ quy chiếu, khái niệm nguồn và mật mã. Khi ta thấu suốt được 15 khái niệm nguồn này thì ta thực sự trưởng thành về chuyên môn và đơn giản để đóng gói chuyển giao lĩnh vực ngành nghề cho người khác.

Trưởng thành về mối quan hệ xã hội

Công việc mình làm, cho mình cơ hội để mỗi ngày trôi qua mình mở rộng và phát triển mối quan hệ của mình sâu rộng khắp nơi. Có 5 cấp độ về Mối quan hệ  bao gồm quen biết (Bạn biết 1 thông tin về họ); quen thuộc (biết nhiều hơn 1 thông tin); quý mến (ở gần nhau có được cảm giác vui vẻ); Tin tưởng (Có cảm giác an toàn) và Thân thiết (Tin tưởng toàn diện, cùng chung mục đích, đồng hành…)

Khi phát triển sự nghiệp thuận duyên cho ta cơ hội để trưởng thành về mối quan hệ, giúp ta kết nối được với con người trong xã hội, cho ta cơ hội được giao lưu, học hỏi và tạo lập giá trị cho con người.

Sự nghiệp cho ta cơ hội trưởng thành về quan niệm, thấu suốt nhân duyên quả, thấu suốt nhân sinh, trưởng thành tận cùng đến 7 sự giàu toàn diện là giàu Trí tuệ, giàu Tâm thái, giàu Phẩm chất, giàu Nhân cách, giàu Năng lực, giàu Thể chất và giàu Vật chất.

Cách đạt cảnh giới số 4

Nếu như chúng ta chưa đạt cảnh giới số 3, chưa có một sự nghiệp, thì ở cảnh giới 4 chúng ta tập trung tìm cho mình một công cụ phương tiện tạo lập giá trị để giúp ta được trưởng thành về quan niệm, quan hệ xã hội và chuyên môn. Khi đạt được sự trưởng thành chúng ta đơn giản có được Thành công – Đạt cảnh giới số 4. Khi đạt cảnh giới số 4 ta đơn giản quay lại hỗ trợ những điểm bản thân còn khuyết thiếu ở cảnh giới 3.

5. Thành công + Sức khoẻ + Gia đình hoà hợp = Hạnh phúc

Trong hành trình kiến tạo cuộc sống ước mơ và hướng đến đạt cảnh giới 7 trong 7 cảnh giới cuộc sống, song song với sự phát triển và thành công trong công việc chúng ta chủ động làm giàu sức khoẻ. Thấu hiểu về sức khoẻ, hiểu các khái niệm nguồn có lợi về sức khoẻ, có hình ảnh tốt về sức khoẻ, tạo phước đức nhiều về sức khoẻ, khi nhắc tới sức khoẻ chúng ta có tần số rung động cân bằng và hướng dương.

Chúng ta chủ động rèn luyện, bảo trì và nâng cấp sức khoẻ để bản thân đạt chuẩn khoẻ mạnh toàn diện về thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội. Giúp cơ thể đạt chuẩn về sức khoẻ, sức bền, sức dẻo dai, sự thăng bằng và sức mạnh.

Thuận duyên chúng ta chủ động xây dựng mối quan hệ hoà hợp trong gia đình (Gia đình nhỏ, gia đình lớn và những anh em đồng hành thân thiết).

Từng bước đi mỗi ngày chúng ta quản trị tâm thức về sức khoẻ và mối quan hệ gia đình hoà hợp, hạnh phúc thì khi vừa đạt cảnh giới 4 đồng thời ta đạt được luôn cảnh giới số 5.

6. Hạnh phúc + Giúp người hạnh phúc = Giá trị cuộc sống

Hạnh phúc + Giúp người hạnh phúc = Giá trị cuộc sống
Hạnh phúc + Giúp người hạnh phúc = Giá trị cuộc sống

Chúng ta không chờ đạt được 5 cảnh giới rồi mới bắt đầu đi giúp người hạnh phúc để đạt cảnh giới số 6, mà ngay từ đầu chúng ta đã xác định đích đến của mình là cảnh giới số 7, vậy nên khi ta tập trung cho sức khoẻ, ta khoẻ mạnh, đồng thời ta dụng tâm đi chia sẻ giúp đỡ người khác cũng khoẻ mạnh.

Khi chúng ta đi xây dựng gia đình hoà hợp hạnh phúc thì thuận duyên ta cũng đi giúp người khác có được gia đình hoà hợp hạnh phúc luôn. Chúng ta làm như thế nào để có được thì chúng ta đi chia sẻ giúp người cách chúng ta làm, hoặc dụng tâm chúng ta có thể trở thành người hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành cùng người khác để giúp họ có được mối quan hệ gia đình hoà hợp hạnh phúc.

Trên hành trình sự nghiệp, cách chúng ta làm, con đường chúng ta đi để đạt được thành công thì chúng ta cũng đi chia sẻ giúp người có thông tin hoặc đồng hành dẫn dắt người để họ cũng có được sự thành công trong cuộc sống của họ.

Cứ thuận duyên làm cùng lúc như vậy thì tự nhiên khi chúng ta đạt được cảnh giới số 5 là chúng ta cũng đã đạt luôn cảnh giới số 6 mà không cần thời gian hay bất cứ sự nỗ lực thêm nào nữa cả. Đây là lợi ích của việc ta biết rõ đích đến và biết rõ lộ trình của mình ta sẽ làm những việc mà khi ta làm việc đó, thuận duyên ta đạt được nhiều đích đến.

7. Giá trị cuộc sống + Truyền ra = Văn hoá

Sống một cuộc đời ý nghĩa và viên mãn là khi ta tạo lập được văn hoá, được lưu truyền và chính giá trị của văn hoá này sẽ giúp cho hàng triệu triệu con người trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày

Thông thường là khi chúng ta hoàn thành xong 6 cảnh giới cuộc sống, chúng ta có một sản phẩm cụ thể, rõ ràng rồi chúng ta mới xem xét, đóng gói và chuyển giao quy trình. Thế nhưng nếu chờ khi nào đạt cảnh giới 6 mới đi xem xét và làm quy trình chuyển giao thì sẽ làm chậm hơn khá nhiều năm để đạt được cảnh giới số 7.

Sở dĩ thông thường con người chúng ta chờ để hoàn thành cảnh giới 6 mới bắt đầu làm chuyển giao là bởi vì khi đạt cảnh giới 6 chúng ta mới thực sự cảm nhận được nó như thế nào, mới có hình ảnh cụ thể và rõ nét, rồi từ đó mới bắt đầu chi tiết hoá nó ra và đi chuyển giao.

Vừa làm vừa chuyển giao

Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể vừa làm vừa chuyển giao khi chúng ta đã nhìn rõ được sản phẩm chúng ta chuyển giao nó như thế nào. Bởi ngay từ khi bắt đầu bắt tay vào hành trình này chúng ta đã kiến tạo được hình ảnh đích đến, chúng ta đã tổng hợp hoá thành bức tranh toàn cảnh và chi tiết hoá bức tranh ra từng thành tố cấu thành nê bức tranh đó. Thế nên chúng ta đơn giản trong quá trình chuyển giao.

Vậy thì không cần phải chờ đến khi hoàn thành mới bắt đầu chuyển giao, mà khi ta hoàn thành bước  nào thì chuyển giao luôn bước đó. Theo cách này thì chỉ cần khi ta hoàn thành bức tranh của mình thì đồng loạt cũng có hàng trăm, hàng  ngàn, hàng vạn bức tranh khác được hoàn thành vì chúng ta chuyển giao luôn từng bước trong quá trình làm.

Ví dụ

Ví dụ 1

Có những người cứ mày mò nghiên cứu với khát khao sẽ tạo ra một sản phẩm gì đó có giá trị và có ý nghĩa. Và đến một ngày họ tạo ra được thành phẩm là một chiếc áo. Đây là sản phẩm hoàn hảo cho nhân loại. Sau khi hoàn thành xong chiếc áo, người đó mới có mong muốn chuyển giao lại quy trình sản xuất áo đồng loạt.

Bởi vì khi mới tiến hành nghiên cứu anh ấy chưa hình dung ra cụ thể thứ mình muốn tạo ra là một chiếc áo. Và trong quá trình nghiên cứu,một cơ duyên nào đó dẫn đến anh ta tạo ra được chiếc áo. Và khi này anh ta mới quay lại nghiên cứu cái áo gồm những bộ phần nào, làm sao để tạo ra được từng bộ phần đó, lắp ráp, kết hợp các bộ phận như thế nào… Sau khi ra quy trình chi tiết rõ ràng mới đi chuyển giao (Truyền ra).

Ví dụ 2

Nhưng cũng có một anh chàng, anh chủ đích sáng tạo ra một sản phẩm đó là chiếc áo. Anh ta chủ đích tìm kiếm và chủ đích nghiên cứu về chiếc áo. Dần dần xây dựng được hình ảnh rõ ràng về chiếc áo, từng bộ phận như thế nào, lắp ráp ra làm sao… Khi anh ta biết chính xác để tạo ra chiếc áo này thì cần phải có phần tay, phần cổ, phần vai, phần thân… Thì ngay khi anh ta sản xuất bộ phận tay áo, anh ta đã lần lượt chuyển giao luôn cách làm tay áo, tương tự vậy, khi anh ta thiết kế được bộ phận nào thì anh ta chuyển giao luôn bộ phận đó.

Vì anh ta biết rõ, từng bước làm từng bộ phần đó là điều tất yếu để hoàn thành một chiếc áo. Đến khi bản thân anh ta hoàn thành chiếc áo đầu tiên thì cũng là lúc đồng loạt hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn chiếc áo được hoàn thành và được phân bố đi khắp mọi nơi.

Ý nghĩa của ví dụ trên

Qua ví dụ trên chúng ta thấy rõ, chúng ta thực sự có thể chuyển giao từng phần, làm tới đâu chuyển giao tới đó khi chúng ta biết chính xác đích đến cuối cùng của chúng ta như thế nào và thứ chúng ta đang làm là gì, nó là phần nào trong lộ trình đạt được đích đến của chúng ta.

Khi chúng ta có được đích đến trước khi chúng ta bắt đầu, việc này sẽ định hướng và sẽ tổ chức sắp xếp kế hoạch, công việc của chúng ta một cách hợp lý nhất và tối ưu nhất

Lộ trình cuộc đời của chúng ta cũng vậy, khi chúng ta nhìn thấy luôn đích đến mà cả cuộc đời chúng ta muốn phấn đấu để đạt được là cảnh giới số 7 thì chúng ta tự nhiên sẽ biết được chúng ta nên làm gì, làm như thế nào, bản thân cần làm rõ những gì, cần học hỏi điều gì và hành trình đó cần đi cùng với ai, người đó như thế nào…

Khi đó chúng ta sẽ không hề làm điều gì vô nghĩa, không hề uổng phí bất cứ phút giây nào trong cuộc đời. Từng việc chúng ta làm, từng phút giây chúng ta sống đều trở nên giá trị và có ý nghĩa.

Phần tri thức về Nghề ước mơ – Cuộc sống ước mơ – 7 cảnh giới cuộc sống là một tri thức vô cùng tuyệt vời, đây cũng là phần tri thức quan trọng quyết định hành trình cuộc đời của chúng ta sẽ như thế nào. Định hướng cho cuộc đời chúng ta không phải tập trung đi tìm nghề để làm mà là định hướng đích chúng ta cần đến chính là cảnh giới số 7 trong 7 cảnh giới cuộc sống, và để đạt được 7 cảnh giới cuộc sống thì chúng ta cần nỗ lực đạt được cuộc sống ước mơ – một cuộc sống Lục lộc đại thuận.

Sau đó chúng ta mới xem xét xem để đạt được những điều đó thì chúng ta cần công cụ phương tiện gì – đó chính là công việc, là nghề mà chúng ta sẽ làm.

Câu nói nên nói với trẻ

Vậy nên sau này mỗi khi nói chuyện về tương lai của con em mình, chúng ta dịch chuyển câu hỏi với trẻ, chúng ta không hỏi những câu hỏi định hướng trẻ tập trung vào nghề nghiệp nữa, mà chúng ta tập trung hỏi các con những câu hỏi để giúp tiềm thức của các con bắt đầu dịch chuyển tư duy sang việc mình thực sự mong muốn có một cuộc sống như thế nào trong tương lai, để có định hướng về cuộc sống ước mơ và hướng đến cảnh giới số 7 của cuộc sống.

Với cách này, ngay từ khi trẻ còn nhỏ chúng ta đã giúp trẻ định vị bản thân trở thành những con người to lớn, gánh vác vận mệnh lớn lao. Chúng ta chỉ cần đổi câu hỏi với trẻ, đổi cách giao tiếp mỗi ngày với trẻ … chúng ta thực sự sẽ góp phần tạo nên một thế hệ trẻ xuất chúng về mọi mặt.

Trân trọng biết ơn bạn đọc luôn yêu thương, luôn đồng hành và luôn đón nhận phần tri thức về Nghề ước mơ – Cuộc sống ước mơ – 7 cảnh giới cuộc sống, mong rằng phần tri thức này sẽ phần nào đó giúp tất cả chúng ta làm rõ được bức tranh cuộc đời, thuận duyên chúng ta có được một nghề mơ ước – một cuộc sống Lục lộc đại thuận và đơn giản để đạt được 7 cảnh giới cuộc sống.

Lời kết

Xin trân trọng biết ơn cao nhân chỉ điểm, trân trọng biết ơn tri thức, trân trọng biết ơn nhân duyên trong tổng nghiệp, cho chúng ta cơ hội được tiếp cận và đón nhận tri thức tuyệt quý này.

Xin gửi tới người thầy kính yêu của chúng ta sự trân trọng biết ơn sâu sắc, biết ơn vì chúng ta có đủ phước báu để được Thầy dẫn dắt trong hành trình Thấu Hiểu Nội Tâm – Kiến Tạo An Vui và sống một cuộc đời đầy giá trị, đầy ý nghĩa. Xin trân trọng biết ơn Thầy, biết ơn các anh/chị/em trong WIT!

Một lần nữa xin trân trọng biết ơn bạn đọc luôn yêu mến, đón nhận và lan toả tri thức này đi muôn nơi! Xin trân trọng biết ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *